Văn hóa

Truyện ngắn: Mất và được

32dff510319288506127ee0781284a15-1654674

Ảnh minh họa

Lúc nãy có cậu chạy Grab mang tới, nói là bà của một cô bé nhặt được từ bữa trước đưa cho cháu bảo gửi sớm cho người mất nhưng đường sá xa xôi, cô bé lại không có xe, không biết đường nên đã nghĩ ra cách đưa cho cậu ấy, nhờ tìm nhà, trả lại cho khổ chủ...

Khuya thứ Sáu, vào facebook lần cuối, tôi bất ngờ đọc được status của cô bạn thân:

Thông báo mất điện thoại: "Chiều nay, lúc đi làm về mình bị mất một giỏ xách. Trong giỏ có điện thoại và bóp tiền. Trong bóp có nhiều giấy tờ tùy thân mang tên Lê Bình An. Mong mọi người, tạm thời trong hai ngày tới, nếu có cần gì thì liên hệ với mình bằng facebook nhé. Ai nhặt được giỏ hoặc có thông tin gì liên quan xin gọi cho số điện thoại... Xin cảm ơn và hậu tạ!".

Bất chấp việc kim giờ đồng hồ đã bắt đầu chuyển sang số 11, tôi nhấn nút gọi cho An. "Alo chị ạ! Em nghe đây!". Biết tính nó dù trời bên ngoài có mưa giông bão giật hay bản thân có đang thập tử nhất sinh thì nó vẫn cứ bình chân như vại, thản nhiên coi mọi chuyện xảy ra như là quy luật của tự nhiên, tôi bộp luôn: "Sự việc thế nào? Mất bao nhiêu? Sao lại mất? Mất giờ nào?". Tiếng cô nàng cười nhẹ. Là lúc nào rồi mà nó còn cười cái tính cứ xồn xồn lên trước mọi sự của tôi? "Mất tiền, mất điện thoại và bao giấy tờ quan trọng nữa chứ có phải chuyện thường đâu. Mà mất ở đâu? Mới chiều nay mày ngồi ở nhà tao vẫn lấy máy ra gọi cơ mà?", tôi hỏi tiếp. " Ô chị này, Trái đất luôn quay. Sự việc luôn luôn biến đổi. Một phút đã khác, huống chi mấy tiếng rồi", nó đáp. Không thể chịu được con bé này. Trong tình huống nào nó cũng tranh thủ triết lý cho được. Tôi và nó đúng là vừa giống vừa ngược nhau như gà mái với vịt mẹ vậy. Có lẽ thế nên không có chuyện gì tôi không bàn với nó và ngược lại, nếu biết gợi chuyện thì cũng hiếm có chuyện gì nó không thổ lộ với tôi.

Chuyện mất túi xách, nó kể lan man vì còn xen vào những phần phân tích, nhận xét nhưng cụ thể là thế này. Chiều nay, nó bận việc, hơn 5 giờ mới ở cơ quan về. Đi qua chợ Mới, thấy người ta xúm xít mua trái cây giá rẻ, lại nhớ ra mai là rằm nên nó dừng lại mua. Rút bóp trả tiền, toàn tiền mệnh giá 500 ngàn. Chị bán trái cây không có tiền thối, nó lại lục hết túi áo, túi quần để tìm tiền lẻ. Mất thêm mấy phút. Sợ trễ không kịp đóng học phí cho con nên nó vội treo túi trái cây lên xe, phóng như bay về trường, không kịp lấy cả tiền thừa. Đến trường, thấy chỉ còn mấy đứa học sinh, con bé thì đã đứng đợi sẵn trong sân, cách cổng đâu chừng chục mét. Nó dựng xe ở ngoài cổng, chạy ào vào với con, đoán con bé sốt ruột lắm nên mới đứng đợi sẵn như thế. Nó tính dắt con bé ra ngay nhưng con bé lại kéo mẹ ngồi xuống sân cỏ và líu lo khoe chuyện ăn sinh nhật bạn no quá thành ra hơi đầy bụng. Hai mẹ con "tám" chuyện mất chừng 5-7 phút, quên bẵng cả chuyện đóng tiền học. Ra cổng. Lên xe. Về nhà. Nấu nướng. Dọn dẹp. 8h30 tối xong việc nó mới mở cốp xe, tính lấy điện thoại thì không thấy túi đâu. Giật mình, nó vội lấy điện thoại bàn gọi cho điện thoại di động, thông báo điện thoại ngoài vùng phục vụ. Tìm thử thêm lần nữa ở nhà, vẫn không thấy gì. Linh cảm chuyện chẳng lành, nó hộc tốc chạy ra quầy trái cây, hy vọng mong manh có thể để quên túi ở đấy. Quầy đang dọn, bà chủ chả tỏ ra là biết gì về cái túi đen bỏ quên. Chắc là không mất ở đây rồi. Chạy về trường. Trường đóng cổng. Nó đứng ở đó một lúc, tua đi tua lại từng phút từng giây từ khi rời quầy trái cây đến khi về nhà. Không, nó không hề động gì đến túi. Cái túi to như vậy cũng không thể rơi đâu đó mà nó không biết. Vậy thì chắc là cái túi bị mất ở cổng trường và khả năng cao là bị kẻ gian mở cốp lấy.

Tôi cãi: "Mày nói sao chứ cổng sân trường đông như vậy đứa nào mà dám lấy. Hay mày mang vào sân, để quên, đứa nhóc nào đó nhặt được". "Không chị ơi. Em tính cho chị nghe. Em ở cơ quan về lúc 5h10 phút, vì về trễ nên có nhìn đồng hồ. Thời gian đóng, khóa cửa, đeo khẩu trang, đội nón bảo hiểm mất khoảng 2-3 phút nữa. Từ cơ quan về trường vì đường đông hay kẹt xe nên thường mất khoảng 12 đến 15 phút nhưng hôm nay do dừng lại mua trái cây nên phải cộng thêm hơn 10 phút nữa. Cộng lại thì thời gian vụ việc xảy ra khoảng từ 5h40 đến 5h50 phút. Lúc đó kiểu gì thì trường cũng vắng rồi. Muộn thì phụ huynh mới hay vội vã, dễ sơ xảy" - Như thường lệ, nó luôn có lý khi bình tĩnh, phân tích sự việc đã xảy ra. Tôi sốt ruột: "Thế bây giờ mày định sao?". "Bây giờ thì chờ sáng mai ra hỏi bảo vệ rồi nhờ xem lại camera ở trường xem sao chứ còn thế nào chị". "Ừ, hy vọng với cái tật đãng trí, hay quên của mày có thể cái túi đang nằm trong tay bảo vệ trường rồi. Nếu được thế thì…".

Không có điện thoại ở thời đại zalo, viber, facetime "tám" suốt ngày này thật cứ như cụt chân cụt tay. Sáng sau, tôi nhắn vào messenger: "Tối qua quên hỏi thế mất bao nhiêu?". Trưa, tôi thấy tin nhắn trả lời: "Khoảng 5 triệu. Có clip trích xuất từ camera rồi chị. Thằng ăn cắp đi xe SH mode màu xám, rình sẵn ở cổng trường, tung áo mưa trùm lên xe em, giả như đang gấp áo mưa, luồn tay xuống bật cốp, quơ lấy túi và cuốn cùng áo mưa cho vào cốp xe của nó. Trước khi đi, nó còn cẩn thận đóng cốp xe của em lại rồi mới phóng về hướng đường 30/4. Mọi việc diễn ra trong vòng 30 giây, từ lúc 17h45 phút 46 giây đến 17h46 phút 15 giây. Chị thấy em đoán có chuẩn từng giây không? hihi!".

Tôi click ngay vào đoạn video clip nó gửi kèm, không xem được. Chán quá. Nó lại không online. Cái con điên mắc máu thám tử này, mất mát như thế mà còn hihí, hahá vì đã đoán đúng hơn là lo cho các rắc rối phát sinh từ trình báo công an tới cách tìm lại giấy tờ. Tôi vào face của nó không thấy có thông tin gì mới ngoài những "like", "share", "còm" cảm thông, cung cấp thông tin, kinh nghiệm mất túi, suy đoán nọ kia nữa. Hóa ra trước nó, đã có rất nhiều người bị móc cốp xe. Họ nói, bọn trộm bật cốp xe chỉ trong vòng một nốt nhạc nên tuyệt đối không để tiền bạc, tư trang quý trong cốp khi rời xe. Đọc kỹ còn có cả những "còm" của bạn bè thân thiết nhắc nhở, chê bai nó về tật bất cẩn. Khổ thân! Nhưng đúng là chả bênh được vì trong vòng 10 năm nay, nó đã 3 lần mất điện thoại rồi. Lần thì bị móc mất trên xe buýt, lần thì đi chùa xin lộc đầu xuân, lần sau thì đúng dịp Giáng sinh ở cổng nhà thờ chính. Lần nào nó cũng thành khẩn nhận lỗi về tội hớ hênh, dù vẫn cố chêm vào câu bào chữa: "Khổ chứ toàn những nơi linh thiêng như thế, ai mà ngờ…". Giờ thêm vụ này. 5 triệu, lại còn điện thoại, son phấn linh tinh, đi tong cả tháng lương. Xui thật!

Tối, thấy face nó sáng đèn, tôi gọi luôn: "Sao rồi?". "Thì đợi thôi". "Tao không xem được đoạn clip". "Thì như em mô tả đấy, nó là dân chuyên nghiệp, trước khi đi còn "tử tế" đóng cốp xe lại… "Tử tế à?". "Thì tại con cháu em nó xem rồi nhận xét thế, chứ ai chả biết, nó đóng cốp xe lại để khi mình ra thấy cốp xe vẫn đóng sẽ không mở ra kiểm tra mà lên xe phóng đi luôn, có thời gian cho nó xử lý cái túi. Nó sợ điện thoại bị cài định vị. Thằng này gặp may. Đúng ngày em tính đi đóng tiền học cầm theo nhiều tiền mặt, về nhà thì lại bận cơm nước, mấy tiếng sau mới sờ đến túi, tìm điện thoại". "Ừ, nếu gọi ngay lúc ấy có khi…". "Khó lắm, bọn chuyên nghiệp về đến nơi an toàn là rút ngay sim ra. Cuống quá thì quăng luôn nên cái chức năng tìm điện thoại bị mất của iPhone chả ăn thua". "Tao không rành vụ này lắm nhưng thấy thằng con nó tìm điện thoại cho tao hoài". "Vầng, nhưng đấy là trường hợp mình bỏ quên hoặc đánh rơi đâu đó thôi chị… À mà chị không xem được clip cũng hay. Sáng, em lên công an phường trình báo rồi, chỗ thân quen người ta hứa điều tra tử tế. Dặn đừng đưa lên mạng, dễ gây bất an dư luận, còn đánh động kẻ gian. Thường thì đi xe SH mode như thằng này, không xài biển số giả". Tôi phồng lên: "Thế thì chắc là tìm ra thôi, công an họ giỏi lắm". "Chưa chắc chị ơi, phải có biển số xe cơ. Với lại nói thật mấy cái vụ nhỏ như này, công an họ chẳng mất công điều tra đâu. Họ nói như vậy cho mình an tâm là chính. Thôi thì coi như làm câu chuyện cảnh giác cho người khác rút kinh nghiệm thôi". Tôi xẹp xuống: "Thì cứ hy vọng thế. Ăn cắp quen tay. Thể nào nó chẳng làm vụ mới, công an sẽ tóm được nó, lấy lại được tài sản cho em!". "Ừm, thôi hy vọng lắm thất vọng nhiều chị ơi. Với lại nói thật chứ nếu có tìm ra cũng chả lấy lại được tài sản đâu chị. Tiền ăn cắp tiêu nhanh lắm, 5 triệu của em chắc chẳng đủ cho nó xài 3 ngày. Giờ chỉ mong sớm lấy lại được giấy tờ thôi. Thường thì nó lấy tiền xong là quăng bóp liền. Giấy tờ có thông tin, địa chỉ cụ thể, người ta nhặt được ắt sẽ tìm mình".

Thứ hai. "Sao rồi An?". "Em vừa ra bưu điện mua sim số cũ, đang thử khôi phục lại dữ liệu, nhất là các số điện thoại trên iCloud mà loay hoay mãi vẫn không xong. Trình IT, i tờ chán thật!". "Thế giấy tờ vẫn không có tin tức gì à?". "Không, chắc nó còn giữ lại ngâm cứu xem có kiếm chác thêm được gì không". "Kiếm chác gì?". "Thì thử mật khẩu với mấy cái thẻ ATM rồi suy nghĩ xem có thể dùng thẻ căn cước đi lừa mà không bị lộ không? Còn mấy cái thẻ mua hàng siêu thị nữa hihi! Nhưng em đoán là nó đưa cho đồng bọn để đòi tiền chuộc rồi". "Ôi trời!". "Trời đất gì, em thì đang phát điên với cái vụ cài đặt điện thoại đây này huhu!".

Thứ năm. "Alo chị!". "Gì vậy?". "Em tìm lại được giấy tờ rồi". "Ôi, may quá! Ở đâu thế?". "Ở nhà, lúc nãy có cậu chạy Grab mang tới, nói là bà của một cô bé nhặt được từ bữa trước đưa cho cháu bảo gửi sớm cho người mất nhưng đường sá xa xôi, cô bé lại không có xe, không biết đường nên đã nghĩ ra cách đưa cho cậu ấy, nhờ tìm nhà, trả lại cho khổ chủ. Hỏi thì cậu ấy bảo cũng chẳng biết cô bé ấy là ai, thấy mặc áo dài trắng thì đoán là học sinh thôi". "Này, có khi nào cậu ta là…". "Không, chị ơi, lúc đầu em cũng nghĩ giống chị, có khi đồng bọn của kẻ cắp, giả vờ nhặt được để đòi tiền chuộc nhưng cậu Grab này thì hiền lành, vừa giao xong bóp là đi ngay, nói khách đang chờ. Khi em bảo để gửi em tiền uống nước thì cậu ta kêu: Không, cô ơi, cháu có phải là người nhặt được đâu mà đòi hậu tạ. Em còn không kịp xin số điện thoại của cậu ta nữa cơ. Thương thế!".

(Theo: http://phunuvietnam.vn/truyen-ngan-mat-va-duoc-2022060815021269.htm)
Cùng chuyên mục

Cuốn sách hạnh phúc cho những đứa trẻ

Ca sĩ Tăng Ngân Hà ra mắt “sàn giao dịch điện tử” dành cho âm nhạc

Bị chồng trách “không thật lòng”, bà xã Mạc Văn Khoa có dòng chia sẻ gây chú ý

Giải đua ngựa "kéo" hơn 6 vạn du khách đến với Bắc Hà

Tầng tầng lớp lớp cảm xúc phức tạp trong “Tiểu thuyết gia nổi loạn”

“Cơn sốt Rubik” cho mùa hè

Giấc mơ hão huyền

3 điều này chính là át chủ bài giúp phụ nữ sống vui vẻ, hạnh phúc

Sao “Tiếu ngạo giang hồ” qua đời

Cậu bé thất bại và cuốn truyện tranh hài hước nổi tiếng nhất trong lịch sử